QUỐC HIỆU NƯỚC TA QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ

Lượt xem:

Đọc bài viết

Quốc hiệu là tên gọi chính thức của một quốc gia, có ý nghĩa biểu thị chủ quyền lãnh thổ, thể hiện niềm tự tôn và ý thức bình đẳng sâu sắc của dân tộc. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, ở mỗi giai đoạn phát triển, nước ta đã có những quốc hiệu khác nhau, tất cả đều thể hiện rõ lòng tự hào dân tộc qua các tên gọi ấy.

1. Văn Lang

Theo sử cũ và truyền thuyết, vào đầu thời đại đồng thau, có khoảng 15 bộ lạc Lạc Việt sinh sống chủ yếu ở miền trung du và miền đồng bằng châu thổ, hàng chục bộ lạc Âu Việt sinh sống chủ yếu ở miền Việt Bắc. Ở nhiều nơi, người Âu Việt và người Lạc Việt sống xen kẽ với nhau và sống cạnh những thành phần dân cư khác. Do nhu cầu trị thủy, nhu cầu chống xâm lấn và do việc trao đổi kinh tế, văn hóa ngày càng được đẩy mạnh, giữa những bộ lạc gần gũi nhau về dòng máu có xu hướng tập hợp lại, thống nhất với nhau. Trong số các bộ lạc Lạc Việt, có bộ lạc Văn Lang là hùng mạnh hơn cả. Thủ lĩnh bộ lạc Văn Lang đã đóng vai trò lịch sử, là người đứng ra thống nhất các bộ lạc Lạc Việt, dựng nên nước Văn Lang, tự xưng vua, sử gọi là Hùng Vương (Vua Hùng). Kinh đô nước Văn Lang đặt tại Phong Châu, nay thuộc tỉnh Phú Thọ. Thời gian tồn tại của nước Văn Lang khoảng từ thế kỷ I trước công nguyên (TCN) đến thế kỷ III TCN.

2. Âu Lạc

Vào nửa thế kỷ III TCN, nhân sự suy yếu của triều đại Hùng Vương thứ mười tám, Thục Phán – một thủ lĩnh người Âu Việt ở miền núi, đã phát nhiều đạo quân tiến đánh kinh đô Văn Lang và đánh đổ triều đại Vua Hùng. Thục Phán dựng nước Âu Lạc, tự xưng là An Dương Vương và dời đô về Cổ Loa (vùng đồng bằng). Sự thống nhất giữa hai thành phần dân tộc Lạc Việt và Âu Việt đã làm cho nước Âu Lạc mạnh lên, bộ máy nhà nước được tổ chức hoàn chỉnh hơn. Nước Âu Lạc ra đời là sự kế tục và phát triển trên một mức cao hơn của nước Văn Lang, trên cơ sở ý thức dân tộc đã được nâng cao lên một mức.

Năm 207 TCN, một viên quan lại của nhà Tần là Triệu Đà đưa quân đánh chiếm các quận ở phía Nam Trung Quốc, lập ra nước Nam Việt[1].Triệu Đà nhiều lần phát quân xâm lược hòng thôn tính nước Âu Lạc nhưng đều bị thất bại, nên rút quân. Sau đó, Triệu Đà sử dụng mưu mẹo gián điệp và lực lượng quân sự đã đưa quân đánh và thôn tính được nước Âu Lạc, đó là năm 179 TCN. Sau khi chiếm được Âu Lạc, Triệu Đà sáp nhập đất đai Âu Lạc vào Nam Việt, chia Âu Lạc thành hai quận: Giao Chỉ (Bắc Bộ) và Cửu Chân (Bắc Trung Bộ), cử quan lại, quân lính sang cai trị và đóng đồn.

3. Vạn Xuân

Sau khi nước Âu Lạc bị đánh bại, nhân dân ta vẫn không ngừng đấu tranh giành lại quyền độc lập dân tộc. Vào giữa thế kỷ VI, phong trào khởi nghĩa của nhân dân phát tiển mạnh. Mùa xuân năm 542, đại khởi nghĩa toàn dân do Lý Bí lãnh đạo nổ ra đánh bại nhiều đợt tấn công và phản kích của bề lũ quan lại nhà Lương và giành toàn thắng vào năm 543. Tháng giêng năm 544, Lý Bí lên ngôi vua, tự xưng là Lý Nam Đế và đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Việc dựng nước độc lập mang tên Vạn Xuân nói lên lòng tự tin vững chắc của nhân dân ta ở khả năng tự mình có thể vươn lên, phát triển một cách độc lập, mong muốn đất nước được bền vững muôn đời.

Đầu năm 603, nhà Tùy đem quân xâm lược nước ta. Nước Vạn Xuân lại rơi vào ách đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Quốc hiệu Vạn Xuân bị dùi dập và chỉ được khôi phục sau khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào cuối năm 938.

4. Đại Cồ Việt

Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), trong triều xảy ra những biến loạn và xung đột, làm cho chính quyền trung ương suy yếu. Lợi dụng tình hình trên, các thế lực phong kiến nổi dậy, mỗi người hùng cứ một phương và tranh giành nhau quyết liệt, còn gọi là loạn Mười hai sứ quân. Đinh Bộ Lĩnh lần lượt đánh bại các sứ quân khác, đến cuối năm 967 loạn Mười hai sứ quân được dập tắt, đất nước được thống nhất. Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Quốc hiệu này duy trì 87 năm, suốt thời Đinh (968 – 980), Tiền Lê (980 – 1009) và đầu thời Lý (1009- 1053).

5. Đại Việt (thời nhà Lý)

Sau khi lên ngôi vua, năm 1010 Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Việc dời đô về Thăng Long phản ánh yêu cầu phát triển mới của quốc gia phong kiến tập quyền, chứng tỏ khả năng, lòng tin và quyết tâm của các dân tộc muốn giữ vững nền độc lập. Cũng với tinh thần và ý chí đó, năm 1054 nhà Lý đổi tên nước là Đại Việt. Đó là một quốc gia độc lập hoàn toàn và có đủ sức mạnh để bảo vệ nền độc lập.

6. Đại Ngu

Vào cuối thế kỷ XIV, nước Đại Việt ở trong tình trạng rối ren. Triều Trần đã trở nên ruỗng nát. Nhân cơ hội này, Hồ Quý Ly đã lấn át dần quyền lực của nhà Trần, rồi đến năm 1400 truất phế vua Trần, lên ngôi vua, lập ra triều Hồ và đổi tên nước là Đại Ngu, (theo tiếng cổ, từ “ngu” trong Đại Ngu có nghĩa là “sự yên vui lớn”). Quốc hiệu Đại Ngu tồn tại chỉ 7 năm. Tháng 4-1407, sau khi đánh bại triều Hồ, nhà Minh đổi tên nước Đại Ngu thành quận Giao Chỉ. Từ đó, một bộ máy đô hộ của nước ngoài được thiết lập từ quận cho đến các phủ, châu, huyện.

7. Đại Việt (thời nhà Lê)

Dưới ách đô hộ của nhà Minh, nhân dân ta không ngừng vùng lên khởi nghĩa. Trong đó, đáng chú ý là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (ở Thọ Xuân, Thanh Hóa) do Lê Lợi lãnh đạo. Sau mười năm chiến đấu bền bỉ, năm 1428 quân Minh bị quét sạch ra khỏi bờ cõi nước ta. Cũng trong năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua và sáng lập ra triều Lê (Hậu Lê), đặt tên nước là Đại Việt (tên cũ trước đây ở thời Lý, Trần). Quốc hiệu Đại Việt được giữ từ thời Hậu Lê đến cuối thời Tây Sơn.

8. Việt Nam

Tháng 9-1792 Quang Trung mất, những mâu thuẫn trong nội bộ triều Tây Sơn lại phát triển, làm cho chính quyền mới bị suy yếu. Nhân cơ hội này Nguyễn Ánh  liên tiếp mở các mở các cuộc phản công, đến tháng 7 năm 1802 chiếm được thành Thăng Long, sau đó lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, lập ra triều Nguyễn[2], chính thức khôi phục quyền lực dòng họ, thống nhất đất nước sau nhiều năm bị chia cắt. Năm 1804 vua Gia Long đặt tên nước thành Việt Nam.

9. Đại Nam

Tháng 2-1838, vua Minh Mạng đổi tên nước Việt Nam thành Đại Nam.Tuy nhiên, hai tiếng “Việt Nam” vẫn còn được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm văn học, trong nhiều giao dịch dân sự và quan hệ xã hội.

10. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lật đổ hoàn toàn ách thống trị của phong kiến và thực dân, mở ra một kỷ nguyên mới. Ngày 2-9-1945, tại Vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quốc hiệu này duy trì đến tháng 7-1976.

Trong thời gian chống chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược còn có những danh xưng để chỉ vùng lãnh thổ thuộc quốc gia Việt Nam, như:

– Quốc gia Việt Nam (3-1949 đến 10-1955): Là danh xưng của một phần vùng lãnh thổ Việt Nam thuộc quyền kiểm soát của thực dân Pháp. Thực tế, chính quyền Quốc gia Việt Nam vẫn thuộc khối Liên hiệp Pháp, đối kháng và tồn tại trên cùng lãnh thổ với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được coi là một chính phủ bù nhìn của thực dân Pháp.

– Việt Nam Cộng hòa (10-1955 đến 4-1975): Là tên gọi của một chính thể được Hoa Kỳ hỗ trợ thành lập ở miền Nam Việt Nam, là sự kế thừa của Quốc gia Việt Nam.

– Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (6-1969 đến 7-1976): Là một chính thể cũng ở miền Nam Việt Nam, có mục tiêu chống đế quốc Mỹ và Việt Nam Cộng hòa để thống nhất đất nước.

11. Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngày 02-7-1975, Quốc hội khóa VI quyết định thống nhất Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam với tên gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hiệu này được sử dụng cho đến nay.

[1] Sau đó Triệu Đà quy phục Bắc Triều (triều Hán)

[2] Kinh đô triều Nguyễn được xây dựng ở Phú Xuân (Huế)

 

Theo soctrang.dcs.vn